Câu chuyện nuôi chó, mèo trong chung cư đã tồn tại từ rất lâu. Dù vẫn thừa nhận việc yêu quý thiên nhiên, động vật là điều nên khuyến khích, tuy nhiên, trong không gian nhỏ hẹp như cộng đồng cư dân của chung cư thì vấn đề này mang lại nhiều mối lo, tiềm ẩn nguy cơ lớn.
Chuyển căn hộ vì “yêu” chó mèo
Gia đình ông Phillip ở tầng 8 chung cư Northern Diamond, Long Biên, Hà Nội. Từ khi chuyển về đây sống tại căn hộ hơn 100m2, Phillip mang theo 4 con chó nhỏ rất xinh đẹp. Ông thường xuyên đưa các chú chó đi dạo ở sảnh, khuôn viên chung cư. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, hàng xóm của ông là chị D – vừa sinh em bé – không thể chịu nổi vì tiếng sủa cực kì ồn ào của 4 con chó này.
Không giỏi giao tiếp bằng tiếng anh, chị D phải liên hệ với bảo vệ để phản hồi ý kiến. Tuy không có luật cấm nuôi chó mèo tại chung cư này, nhưng sau 1 vài tuần suy nghĩ, gia đình ông Phillip đã mua 1 căn hộ khác ở tầng 17 Toà nhà Northern Diamond để ở, và để trống căn hộ tầng 8. Lí giải quyết định này, ông cho biết:”Tôi không muốn phải chuyển đi quá nhiều lần, rất rắc rối. Tầng 17 hiện vẫn còn nhiều phòng trống và không có ai mới sinh em bé. Tôi mua để có thể chăm các chú chó của tôi tốt hơn”.
Vấn đề về tiếng ồn của chó mèo mang đến không phải là mới. Trên thực tế, trong mặt bằng các căn hộ san sát nhau của chung cư, chỉ cần ở vị trí bên cạnh, mọi tiếng ồn lớn đều dẫn thẳng âm sang hàng xóm. Chính vì vậy mà quy định ở chung cư về vấn đề sửa nhà, khoan đục, hay hát karaoke luôn được quan tâm. Tuy nhiên, “nhu cầu” sủa của chó thì không thể kiểm soát. Đặc biệt là giờ ăn trưa, các con chó sẵn sàng cùng nhau mở hội “sủa”, gây phiền toái cho cả chủ nhà và hàng xóm.
Trường hợp của anh Nguyễn Văn T, sống tại khu vực Times City, Hà Nội thì khác xa so với Phillip. Con chó anh nuôi là giống chó Husky. Thân hình và bộ lông xù của Husky khiến trẻ con rất thích thú. Tuy nhiên những hàng xóm cùng tầng của anh thì luôn phàn nàn về lông chó bay khắp nơi khi anh đưa chó xuống sảnh để đi vệ sinh ở ngoài khuôn viên chung cư.
Sau khi họp các hộ gia đình sống cùng tầng, tất cả biểu quyết và yêu cầu anh phải nuôi chó ở khu vực mặt đất, không đi thang máy và di chuyển ở hành lang tầng anh ở. Cực chẳng đã, anh đành tìm cách gửi chú Husky 3 tuổi về nhà bố mẹ. Sau một thời gian thì anh cũng chuyển đi.
Chưa hết, trong một số trường hợp, chính người chủ lại là người vô ý thức và để cho các thú cưng của mình sẵn sàng "phóng uế" ngay bất cứ vị trí nào khi có nhu cầu. Đây cũng là một trong những nguyên do khiến cho các cư dân sống trong môi trường xung quanh phải đứng lên để "làm cho ra nhẽ"
Xinh đẹp, đáng yêu, nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây hại
Bên cạnh về tiếng ồn, vệ sinh hay mùi, một mối nguy cơ tiềm ẩn khác của chó mèo được người dân quan tâm là về bệnh truyền nhiễm. Tháng 7 năm 2019, 5 người cùng gia đình ở Kon Tum bị chó cảnh trong nhà cắn khiến 1 người chết vì bệnh dại, 4 người nhập viện trong nguy kịch. Ngoài việc chó tấn công người, ở khu vực chung cư, các giống chó có thể bình thường thì hiền lành, nhưng khi đưa xuống khu vực công cộng, bản năng hoang dã có thể xuất hiện. Các chú chó khác giống nhau có thể gầm gừ và tấn công nhau, thậm chí hăng máu có thể tấn công trẻ nhỏ. Việc lây nhiễm hay không cũng trở nên đáng lo vì không phải Ban quản lý, bảo vệ chung cư nào cũng kiểm soát được vấn đề tiêm ngừa dịch đối với chó mèo trong căn hộ.
Thực tế là, trong cộng đồng chung cư ở trên cả nước, những người yêu chó mèo rất nhiều, nhưng những người có thể nuôi chó mèo ở trong căn hộ thì không nhiều. Vì đa phần đều hiểu rõ những rắc rối mà “vật yêu” của mình gây ra. Tuy nhiều giống chó mèo rất xinh đẹp và đáng yêu, luôn được chủ bế trong lòng, đưa đi đưa về bằng lồng hoặc balo chuyên dụng của cho mèo, nhưng việc chắc chắn 100% kiểm soát được những tiềm ẩn nguy cơ từ chó mèo là không thể.
Hàng năm, số ca trẻ em bị chó mèo tấn công ở khu vực công cộng vẫn tồn tại ở mức đáng lo. Và không kể là trẻ em, người lớn hay động vật khác cũng có lúc trở thành nạn nhân. Chính vì vậy mà dù là nuôi con gì, ở đâu, các chủ của “thú cưng” đều phải hết sức cảnh giác và đảm bảo các quy định đúng để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Không phủ nhận sự “tích cực” của chó mèo
Nhiều người chưa quên câu chuyện 2 chú cho cưng giống Alaska đã “cứu sống” gia đình anh Danny Nguyễn trong trận hỏa hoạn tại chung cư Carina (TPHCM) vào 23/3/2018.
Vào lúc xảy ra vụ cháy, anh Danny cùng người vợ đang mang bầu ở trong phòng ngủ không hề hay chuyện. Khói độc bốc lên mỗi lúc một dày, thế rồi có lẽ gia đình anh đã chẳng thể kịp thời thoát được khỏi đám cháy kinh hoàng ấy nếu như không có sự thông báo của... 2 chú chó cưng. Hai chú chó vừa cào cửa vừa sủa to để đánh thức chủ nhân của mình. Câu chuyện này về sau vẫn khiến nhiều người cảm động.
Bên cạnh sự trung thành và thông minh, chó và mèo cũng là loài động vật có ngoại hình đáng yêu, nếu được thuần hóa bài bản và cẩn thân tiêm phòng thì luôn được nhiều người yêu quý.
"Cuộc chiến" không hồi kết: Giải pháp nào cho thú cưng ở chung cư
Nhiều người yêu chó mèo cũng rất hiểu 2 loài động vật này rất cần không gian để chạy nhảy, chơi đùa. Việc “giam lỏng” chúng trong những căn hộ là điều không mang lại cảm giác thoải mái. Mỗi ngày, các chú chó đều cần thời gian vài chục phút đến cả tiếng đồng hồ để hoạt động mạnh, tránh sức ì và tích mỡ. Đưa chó xuống sân chung, khu vực công cộng của khu chung cư để cho chạy rông là điều khá nguy hiểm. Nếu chó được rọ mõm thì có thể giảm 1 số nỗi lo cho các phụ huynh, cư dân khác. Chính vì thế mà nhiều người dù rất muốn nuôi vẫn cần phải cân nhắc việc nên để chúng ở nhà đất hay ở căn hộ trên cao.
Đối với mèo thì việc đưa xuống sảnh hay thả rông đều rủi ro hơn vì sự linh hoạt của chúng. Việc leo trèo qua các ban công hay di chuyển và kêu gào khi tới thời gian “động đực” là điều thường xuyên gây phiền toái. Trong không gian chật hẹp, các tiếng kêu cũng gây chói tai và ầm ĩ.
Hội những người yêu chó và mèo đều hiểu rằng, chó và mèo đều không có lỗi nếu có sự cố từ chó và mèo gây ra. Vốn dĩ nó đều sử dụng sự tự do, bản năng của mình. Những người chủ của các chú chó sẽ cần phải cân nhắc để tìm ra phương hướng nuôi chúng ở nơi phù hợp hơn. Tránh việc gây ảnh hưởng cho cộng đồng và gây ảnh hưởng cho chính những vật nuôi của mình.